Axit uric tăng cao trong máu có liên quan đến việc ăn nhiều đạm động vật và uống nhiều rượu bia. Tăng Acid uric máu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khớp, thận, tim mạch.
1.Acid uric là gì?
Acid uric là sản phẩm của quá trình chuyển hóa bình thường trong cơ thể. Acid uric sinh ra do quá trinh chuyển hóa nhân Purin trong trong tế bào chết đi trong cơ thể hoặc trong các loại thực phẩm hằng ngày. Thông thường, acid uric sẽ hòa tan trong máu, lọc qua thận và đào thải qua nước tiểu. Bình thường, acid uric sẽ hòa tan trong máu ở nồng độ nhất định. Nồng độ cho phép sẽ không ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.
2. Phân biệt Hội chứng tăng acid uric máu và bệnh Gout
Nếu acid uric được sinh ra quá nhiều nhưng đào thải bị suy giảm, acid uric sẽ bị giữ lại ở trong máu. Nồng độ acid uric trong máu tăng lên quá cao sẽ gây lắng đọng muối urat ở các mô. Nơi axit uric thường lắng đọng nhất là các khớp và gây ra bệnh đặc trưng là Gout. Ngoài ra, axit uric còn lắng ở tim gây ra bệnh tim mạch, lắng ở thận gây ra suy thận, lắng ở đường niệu gây ra sỏi thận. Tuy nhiên, có những trường hợp axit uric trong máu rất cao nhưng không hoặc chưa gây ra các tổn thương ở cơ quan được gọi là hội chứng tăng acid uric máu.
Trên thực tế, rất nhiều người cho rằng cứ tăng axit uric máu là bệnh Gút và dùng thuốc điều trị Gút. Đây là quan niệm sai lầm. Chỉ coi là có bệnh gút khi tăng axit uric máu đi kèm với sự lắng đọng axit uric và gây tổn thương ở khớp hay những tổ chức khác. Ðiều trị những cơn viêm khớp do gút khác với điều trị tăng axit uric trong máu.
3.Tăng acid uric máu bao nhiêu là cao, khi nào cần điều trị?
Nồng độ Acid Uric trong máu được đo bằng đơn vị umol/L (micromol /lit). Chỉ số này thường thay đổi phụ thuộc vào giới tính của người bệnh. Thông thường, chỉ số Acid Uric bình thường là:
- Đối với phụ nữ: 150 – 350 umol/L.
- Đối với nam giới: 210 – 420 umol/L.
Các mức độ tăng acid uric máu
1. Với chứng tăng axit uric máu không có triệu chứng:
Các trường hợp tăng axit uric máu ở mức độ trung bình (dưới 600umol/L), người bệnh cần được hướng dẫn chế độ ăn uống phù hợp để cơ thể không tạo ra thêm axit uric. Cụ thể, bệnh nhân phải hạn chế ăn đạm động vật, ăn nhiều rau quả, không được uống rượu bia. Nếu đã điều chỉnh chế độ ăn uống mà axit uric vẫn cao mới cần dùng thuốc.
2.Nếu Acid uric ở mức trên 720umol/L:
Nồng độ Acid uric >720umol/L làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Người bệnh cần dùng thuốc điều trị hạ axit uric. Các trường hợp khác đều không có chỉ định dùng thuốc, trừ bệnh nhân có tình trạng hủy tế bào quá nhiều. Tăng axit uric cấp tính như ở bệnh nhân ung thư phải hóa trị hoặc xạ trị thì có thể dùng liệu pháp dự phòng tăng axit uric máu nhằm tránh tình trạng suy thận cấp do tăng lắng đọng tinh thể urat ở ống thận.
3.Các trường hợp đặc biệt
Xét nghiệm thường xuyên có tình trạng tăng axit uric trên 600umol/L kèm theo
- Kháng với các biện pháp điều chỉnh chế độ ăn uống
- Tiền sử gia đình bị gút, bị sỏi thận kèm tăng axit uric máu
- Có dấu hiệu tổn thương thận đều cần phải dùng các thuốc giảm axit uric.
4. Thuốc điều trị tăng acid uric
Thuốc được lựa chọn để điều trị hội chứng tăng axit uric máu là thuốc ức chế men xanthin oxydase làm giảm tạo thành axit uric như allopurinol, thiopurinol hoặc thuốc tiêu axit uric (enzym uricase). Lưu ý, không dùng nhóm thuốc tăng thải axit uric qua thận như probenecid ở những bệnh nhân có một trong các biểu hiện sau: tiền sử hoặc đang có sỏi thận, suy thận, có hạt tophi và giảm bài tiết urat qua thận.
Khi dùng thuốc, bệnh nhân cần theo dõi và đề phòng bị phản ứng thuốc, thông báo với bác sĩ kịp thời để được tư vấn phải ngưng thuốc hoặc cần đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Xem thêm:
Xét nghiệm Acid Uric là gì? Ý nghĩa nồng độ Acid uric trong máu với sức khỏe