Kim ngân hoa là vị thuốc thuộc nhóm thuốc thanh nhiệt giải độc, được xem là “kháng sinh Đông y”. Dược liệu có tác dụng dược lý đa dạng như thanh nhiệt, trị ôn bệnh phát nhiệt, rôm sảy, ghẻ lở, mụn nhọt, …
Tên gọi khác: Nhẫn đông hoa, Lộ ty đằng. Cành lá là Kim ngân đằng
Họ: Họ Cơm Cháy (Caprifolianceae).
1.Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Kim ngân hoa là cây dạng dây leo, thân dài trung bình từ 9 – 10m. Thân rỗng bên trong, có rãnh chạy dọc thân, cành nhiều, màu xanh khi non và chuyển thành màu đỏ nâu khi già.
Lá mọc đối xứng, dài 47cm, rộng 24cm, hình trứng dài. Phiến lá dày, mặt trên màu lục đen, nhẵn hoặc có ít lông, mặt dưới mầu lục nhạt, có nhiều lông ngắn mịn và gân lá hình lông chim lồi lên,cuống lá dài.
Hoa: nụ hoa hình ống dài 0,8-1,6cm, hơi cong, màu vàng nhạt, dưới nhỏ, đường kính 11,25mm, trên phồng to, đường kính 23mm. Hoa mọc tháng 3 – 5, có màu trắng khi mới nở và sau chuyển thành màu vàng, mọc ở kẽ lá. Mỗi cuống có 2 hoa. Mặt ngoài có lông trắng nhỏ mịn (soi kính lúp), phía dưới có đài nhỏ hình chén 5 răng, màu nâu vàng, dài khoảng 11,5mm. Chất nhẹ, hơi giòn, mùi thơm, vị hơi đắng (Dược Tài Học).
Phân bố:
Mọc hoang ở vùng rừng núi, chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh,…
2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Hoa mới chớm nở. lá và dây ít dùng
Thu hái: Thu hái vào đầu mùa Hạ, lúc nụ sắp nở. Nên hái khoảng 9 – 10 giờ sáng (khi sương đã ráo).
Chế biến: Đem thái mỏng, phơi hoặc sấy khô.
3. Thành phần hóa học
Kim ngân hoa có chứa các thành phần hóa học đa dạng, bao gồm Tannin, Luteolin, Scolymozid, Inositol, Loganin, Cryptoxantin, Isochlorogenic acid, Chlorogenic acid, Stigmasterol…
4. Tác dụng theo y học hiện đại:
Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc từ hoa Kim ngân có tác dụng ức chế mạnh đối với trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn và trực khuẩn lỵ Shiga (theo Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
Tác dụng kháng viêm: Giải nhiệt, giảm chất xuất tiết và tăng tác dụng thực bào của tế bào bạch cầu (theo Trung Dược Học).
Tác dụng kháng virus: Nước sắc từ hoa kim ngân làm giảm hoạt động của virus cúm (theo Chinese Hebral Medicine).
Tăng bài tiết dịch vị và mật (theo Trung Dược Học).
Tác dụng lợi tiểu (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
Làm giảm cholesterol trong máu (theo Trung Dược Học).
Có tác dụng thu liễm do có chứa Tannin (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
5. Vị thuốc Kim ngân hoa trong y học cổ truyền:
1. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn, không độc
2. Qui kinh
Qui kinh Phế, Vị, Tâm, Tỳ
3. Công năng
Thanh nhiệt, giải độc
4. Chủ trị
- Trị mụn nhọt, dị ứng, viêm vú.
- Trị ôn bệnh phát nhiệt, ho do phế nhiệt, hạ sốt
- Chữa lỵ trực khuẩn, đại tiểu tiện ra máu, đái buốt, đái dắt
- Chữa đau khớp, dùng cành lá
5. Liều dùng, cách dùng
Có thể dùng dạng thuốc sắc. Có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với những vị thuốc khác. Liều 12-16g khô/ngày, 20-50g tươi
6. Bài thuốc
- Bài thuốc trị mụn nhọt: Dùng cả cành, lá của kim ngân hoa 80g, cam thảo 40g, hoàng kỳ 160g đem cắt nhỏ và chưng với 1 cân rượu ngâm trong 2 – 3 giờ đồng hồ. Sau đó đem bỏ bã và uống dần.
- Bài thuốc trị vú có khối kết, đỏ, sưng to và chảy nước: Dùng kim ngân hoa và hoàng kỳ sống, mỗi thứ 20g, cam thảo 4g, đương quy 32g, 50 lá ngô đồng đem sắc với ½ chén nước, ½ chén rượu.
- Bài thuốc trị lở ngứa, mụn nhọt: Dùng kim ngân hoa 6g và cam thảo 3g đem sắc với 200ml nước, còn lại 100ml. Chia làm 2 – 3 lần trong ngày.
- Bài thuốc trị cảm cúm: Dùng kim ngân hoa 6g với cam thảo 3g đem sắc với 200ml nước, còn lại 100ml. Chia làm 2 – 3 lần trong ngày.
- Bài thuốc trị ho, cảm giai đoạn đầu: Kim ngân hoa 12g, Liên kiều 12g, Kinh giới tuệ 6g, Ngưu bàng tử 6g, Bạc hà 10g, Cát cánh 6g, Trúc diệp, Lô căn 8g, Cam thảo 4g. Sắc uống ngày thang, chia 3 lần.
- Bài thuốc trị sởi: Dùng cỏ ban, kim ngân hoa mỗi vị 30g. Dùng tươi, giã nát, thêm nước và gạn uống.
- bài thuốc trị sữa không xuống, kết lại gây nên vú sưng đau, đau chịu không nổi: Kim ngân hoa, Đương quy, Hoàng kỳ (nướng mật), Cam thảo đều 10g. Sắc, thêm ½ chén rượu, uống (Kim Ngân Hoa Tán – Tế Âm Cương Mục).
- Bài thuốc trị mề đay cấp: Kim ngân hoa, Bồ công anh 20g mỗi vị. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
7. Kiêng kỵ
+ Tỳ vị hư hàn, mồ hôi ra nhiều, tiêu chảy không phải do nhiệt không dùng
Thông tin về dược liệu Kim ngân hoa trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Vì vậy bạn đọc nên trao đổi với bác sĩ trước khi áp dụng những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu này.
Tham khảo thêm tại:
Củ dòm- Vị thuốc quý của người Việt
Hy thiêm thảo– Thuốc quý vườn nhà